120.000 tỷ đồng sẵn sàng cho vay bất động sản

120.000 tỷ đồng sẵn sàng cho vay bất động sản

Riêng gói 50.000 tỷ hiện đã có BIDV, Agribank, VNCB đăng ký. VNCB cũng đang đàm phán với các ngân hàng khác như ACB, Sacombank, LienVietPostBank, OceanBank....để cùng tham gia.


Chiều 25/3/2014, tại trụ sở Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) diễn ra buổi họp báo về phát triển thị trường ngành xây dựng chuyên nghiệp do VNCB phối hợp với Tập đoàn Thiên Thanh tổ chức.


Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng vụ tín dụng NHNN cho biết, Ngân hàng Nhà nước tham dự Hội nghị của VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh tổ chức nhằm tìm kiếm mô hình tạo lập thị trường, sao cho triển khai hiệu quả và thành công.

Những năm gần đây, xây dựng và bất động sản có nhiều khó khăn. Chúng ta phải chứng kiến cảnh thị trường hạ giá, kể cả sản phẩm hoàn chỉnh và dở dang đều gặp khó khăn. Vấn đề là tổ chức lại như thế nào, mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế ra sao được cả Chính phủ, các Bộ ban ngành và doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.

NHNN đánh giá rằng, đây là nỗ lực tìm kiếm giải pháp, đây là 1 trong những giải pháp giúp khơi thông thị trường bất động sản.

Đại diện NHNN đánh giá, niềm tin trong lĩnh vực xây dựng cơ bản đang mất đi khá nhiều. Trước đây quy định của pháp luật hoàn toàn đầy đủ, nhưng để quản lý có hiệu quả còn rất dang dở. Đây là một sáng kiến 4 nhà để tạo lập niềm tin (chủ đầu tư, nhà thầu, ngân hàng, người tiêu dùng).


Cũng theo ông Mạnh, thị trường đang mất niềm tin bởi người mua nhà đã đóng góp vào dự án không dám đóng tiếp vì lo sợ dòng tiền sẽ ko được sử dụng để xây nhà hay không. Người thi công có đầy đủ vật liệu nhưng lo lắng khi triển khai xong sẽ không được thanh toán. Ông chủ đầu tư lo lắng sẽ không được thanh toán mọi chi phí rồi ngân hàng lo khó thu hồi vốn…Đó là một thực tế.

"Nếu chúng ta không tin nhau thì sẽ không thể giải quyết được tình hình. Bây giờ phải gắn kết các nhà lại, dưới sự giám sát của ngân hàng. Dòng tiền khi đóng cho chủ đầu tư phải được quản lý để chi trả hợp lý cho vật liệu, nhân công và để trả nhà cho dân", ông Mạnh nói.

Đây là sản phẩm để giúp giải phóng hàng tồn kho. NHNN đánh giá đây là sản phẩm ưu việt, các ngành khác cũng phải triển khai theo chuỗi sản phẩm như vậy.

Hiện nay các gói này không phải là mới lạ mà đã được các ngân hàng triển khai, có điều đó là ngân hàng độc lập còn chưa có sự liên kết giữa các ngân hàng với nhau, giữa ngân hàng với chủ đầu tư, nhà thầu…

Đây là chương trình thí điểm. Ngân hàng đặt ra vấn đề này được NHNN ủng hộ và mong rằng sẽ được các ngân hàng tham gia, ủng hộ.

NHNN đánh giá tính mô hình này có các điểm tích cực:

(i) Tiêu thụ hàng tồn kho trong bất động sản, trong xây dựng;

(ii) Tháo gỡ khó khăn cho các dự án, hạn chế đầu tư dở dang, lãng phí, tạo điều kiện cho chủ đầu tư hoàn thành;

(iii) Tăng cường sự phối hợp giữa các ngân hàng;

(iv) Củng cố niềm tin của doanh nghiệp, ngân hàng, chủ đầu tư, nhà thầu, nhà cung cấp, người mua;

(v) Giảm thiểu cung ứng tín dụng trùng lắp;

(vi) Nâng cao tính minh bạch, hạn chế tham nhũng.

Vụ trưởng Mạnh cho biết, theo thông tin từ VNCB đã có 50.000 tỷ giữa các ngân hàng liên kết với nhau và có 7 ngân hàng cũng đã đăng ký với NHNN là 70.000 tỷ (70.000 tỷ là khoản cho vay bình thường phục vụ bất động sản – do nguồn vốn của TCTD cung cấp vốn bình thường cho bất động sản), như vậy là có tổng cộng 120.000 tỷ phục vụ cho bất động sản.



Trả lời câu hỏi của phóng viên về điều kiện vay vốn của gói 50.000 tỷ nói trên, đại diện NHNN cho biết vẫn phải tuân thủ theo điều kiện bình thường. Đây là sản phẩm để quản lý dòng tiền, tạo niềm tin thị trường. Chính điều này đang vướng mắc trên thị trường. Dự án phải hiệu quả mới được cho vay.

Riêng về gói 50.000 tỷ đồng mà VNCB tổ chức giới thiệu hôm nay, ông Phan Thành Mai, Tổng giám đốc VNCB cho biết, hiện đã có các ngân hàng đăng ký với Vụ Tín dụng như là VNCB, Agribank, BIDV. Ngoài ra VNCB đang đàm phán mời các ngân hàng khác tham gia như ACB, Sacombank, LienVietPostBank, OceanBank, MB, Maritimebank, VPBank....



Theo Trí Thức trẻ
Tắt Quảng Cáo [X]